Sinh viên chuẩn bị ra trường cần làm gì?

Sinh viên năm cuối cần chuẩn bị những gì khi tham gia vào thị trường lao động?

            Đối với Sinh viên Khoa Điện - Điện tử nói riêng và Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics nói chung khi chuẩn bị ra trường các em cần phải trang bị tốt cho mình những kỹ năng gì?.... để rồi tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng và sở trường của bản thân. Tôi hy vọng với bài viết dưới đây một phần nào đó sẽ giúp các em có những định hướng và kế hoạch cho bản thân để sẵn sàng tiếp cận với thị trường lao động.

1. Các kỹ năng cần thiết ở người lao động.

            Một trong những nguồn cung cấp nhân lực quan trọng là Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Tuy nhiên, cho đến nay, một thực trạng đáng buồn là phần lớn Sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng vì thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm nhận các vị trí công việc mà họ dự tuyển.

            Theo các chuyên gia tuyển dụng thì phần lớn Sinh viên thiếu hoặc yếu các kiến thức, kỹ năng  thực hành (có thể áp dụng vào thực tế công việc) mặc dù họ đã được đào tạo bài bản suốt mấy năm học.

1.1 Khả năng thực hành, học hỏi và kỹ năng cá nhân.

            Đây là yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần ở người lao động (NLĐ). Khả năng thực hành thể hiện qua việc NLĐ biết những kiến thức, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc và có khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đó vào thực tế để hoàn thành công việc mà họ đảm nhận.

 

                                 Một giờ học thực hành của sinh viên Khoa Điện - Điện tử

            Các doanh nghiệp cũng hiểu rõ là không thể mong đợi các Sinh viên mới ra Trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn tương ứng với từng công việc cụ thể. Mặt khác, để phục vụ chiến lược phát triển của mình, các doanh nghiệp cũng thường có chính sách đào tạo, huấn luyện để phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực của mình. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu về những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cơ bản ở NLĐ, các doanh nghiệp cũng mong đợi họ có “kỹ năng học”. Điều này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không phải như vậy. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng phần lớn Sinh viên của chúng ta vẫn có thói quen “học thụ động”, nghĩa là chỉ học những gì được dạy mà chưa chủ động học và tìm học những gì mình thấy cần. Trong khi ở môi trường làm việc, không phải lúc nào và ở đâu NLĐ cũng được dạy theo kiểu như vậy.

            Bên cạnh những yêu cầu trên, NLĐ cần phải có những kỹ năng cá nhân cần thiết, trong đó kỹ năng trình bày và giao tiếp có thể xem là quan trọng nhất. Kỹ năng trình bày thể hiện qua việc diễn đạt một cách đầy đủ, chính xác và rõ ràng những gì mình muốn nói – những ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình. Có người có những ý kiến, quan điểm rất hay nhưng khi trình bày với người khác thì lại làm cho người nghe không hiểu họ muốn nói gì hay thậm chí còn thấy buồn cười. Nguyên nhân là do họ không thể nói hết, nói đúng những gì mình nghĩ. Đây là một hạn chế rất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của một người, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Dù bạn có ý tưởng hay đến mấy mà không biết cách trình bày nó một cách đầy đủ, chính xác và rõ ràng, không làm cho người nghe bị thuyết phục thì ý tưởng của bạn cũng trở thành vô giá trị. Khả năng này không tự nhiên mà có, nó đòi hỏi sự rèn luyện, ngay cả với những người có khả năng hùng biện bẩm sinh.

1.2 Kỹ năng giao tiếp.

            Kỹ năng giao tiếp thể hiện qua hiệu quả giao tiếp của một người với những người xung quanh. Để giao tiếp tốt không nhất thiết phải “nói hay”, thậm chí một người “nói hay” chưa chắc đã là người giao tiếp tốt. Nghĩa là “giao tiếp” không chỉ gói gọn trong phạm vi “nói và nghe” mà cần được hiểu ở nghĩa rộng hơn. Đó là khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với người xung quanh, hiểu họ và làm cho họ hiểu mình từ đó tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả cuộc sống. Môi trường làm việc ngày nay đòi hỏi tính đồng đội rất cao, một người không thể thành công nếu chỉ làm việc “một mình” mà không có sự hợp tác, hỗ trợ qua lại với người khác (cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng…).

1.3 Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.

            Kỹ năng làm việc độc lập đòi hỏi NLĐ phải có khả năng tự mình xử lý công việc hầu như từ A đến Z: từ bước xác định mục tiêu, lập kế hoạch, thu thập thông tin, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết đến việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Việc giao cho sinh viên các bài tập, các dự án cá nhân với những mục tiêu mang tính thực tiễn mà để hoàn thành không chỉ dựa vào các bài giảng ở trường hay sách giáo khoa mà còn đòi hỏi các thông tin, kiến thức kinh tế, xã hội và thực tế sẽ giúp sinh viên rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Ngược lại, kỹ năng làm việc nhóm lại đòi hỏi khả năng phối hợp, làm việc chung với những người khác trong cùng một dự án hoặc một chuỗi công việc, trong đó kết quả công việc không được quyết định bởi một cá nhân mà phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm.

            Để trở thành một thành viên hiệu quả trong nhóm, mỗi người phải biết phát huy các thế mạnh của mình để đóng góp vào thành công chung, đồng thời cũng phải biết chấp nhận “hy sinh” một phần “cái tôi” để hòa hợp với các thành viên khác.

2. Nhà tuyển dụng cần gì ở SV mới ra trường?

            Tuy mới ra trường, dù chưa có kinh nghiệm, nhưng với những kiến thức nền tảng, cùng vô vàn cơ hội rộng mở với mức lương xứng đáng và sự thoải mái về mặt thời gian, những sinh viên mới ra trường sẽ không có một lý do nào mà không thể tìm kiếm được một công việc. Cuộc khảo sát trực tuyến của CareerBuilder với hơn 1000 nhà tuyển dụng ở các công ty khác nhau đã tổng kết được 5 điểm cần chú ý đối với những người mới tốt nghiệp và đang có nhu cầu tìm việc: 

2.1. Kinh nghiệm có liên quan. 

            23% nhà tuyển dụng nói rằng khả năng và kinh nghiệm của các ứng viên có liên quan đến công việc là yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định tuyển dụng của họ. 63% trong số họ xem những kinh nghiệm mà các sinh viên có được qua các hoạt động tình nguyện, các buổi thực hành ở trường và qua những việc làm part – time như là những kinh nghiệm liên quan rất có giá trị. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên mới ra trường lại không quan tâm đến điều đó. 

2.2. Phù hợp với môi trường văn hoá của công ty. 

            Trên hồ sơ, bạn có thể là một ứng viên sáng giá nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã phù hợp với vị trí công việc này. Theo nghiên cứu, 21% số nhà tuyển dụng cho rằng điểm mà họ muốn nhìn nhận nhiều nhất ở một ứng viên đó là khả năng phù hợp và thích nghi với môi trường văn hoá của công ty. Vì vậy, khi đi phỏng vấn, bạn thường gặp câu hỏi "Tại sao anh (chị) lại cảm thấy mình phù hợp với công việc này?" Nếu bạn nghĩ rằng câu hỏi đó thật ngớ ngẩn mà phớt lờ nó đi thì quả là sai lầm. Nhớ rằng, nhà tuyển dụng thường dò hỏi và đánh giá khả năng nổi trội của bạn qua một số câu hỏi tưởng như không quan trọng và không có gì liên quan đến công việc của bạn như kiểu "Quyển sách bạn đọc gần đây nhất tên là gì?" 

            Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có thiết bị dây chuyên công nghệ cao đang áp dụng "tiêu chuẩn 5S". Vậy "tiêu chuẩn 5S" là gì?

            5S là một công cụ cải tiến năng suất chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tên gọi của 5S xuất phát từ những chữ cái S trong tiếng Nhật:

- Sàng lọc (Seiri - Sorting out): Sàng lọc những cái không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng.

- Sắp xếp (Seiton - Storage): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và đúng chỗ của nó để tiện sử dụng khi cần.

- Sạch sẽ  (Seiso - Shining the workplace): Vệ sinh, quét dọn, lau chùi mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc.

- Săn sóc (Sheiketsu - Setting standards): Đặt ra các tiêu chuẩn cho 3S nói trên và thực hiện liên tục.

- Sẵn sàng (Shitsuke - Sticking to the rule): Tạo thói quen tự giác, duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để mọi thứ luôn sẵn sàng cho sản xuất.

            5S là một phương pháp cải tiến rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong thực tế. Từ văn phòng, nhà kho cho đến công trường xây dựng, hay nhà xưởng công nghiệp hoặc nông nghiệp. Nơi nào có hoạt động thì nơi đó cần sắp xếp, cần phân loại, cần sạch sẽ. Không có hoạt động 5S thì không thể bàn đến việc quản lý và cải tiến. 5S ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, đỡ mất thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ cũng như tránh sự nhầm lẫn. Người làm việc cảm thấy thoải mái, làm việc có năng suất cao và tránh được sai sót. Các thiết bị sản xuất hoạt động trong môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn.

            Có doanh nghiệp đã áp dụng 5S vào công tác nhân sự; sàng lọc đội ngũ nhân viên để lựa chọn nhân tài; sắp xếp lại bộ máy để nâng cao tính hiệu quả; vệ sinh tức là cải thiện bầu không khí trong cơ quan trở nên thân thiện, cởi mở, đoàn kết hơn, v.v... cho nên 5S chính là nền tảng của năng suất và chất lượng.

            Như vậy, Sinh viên năm cuối cần chú ý tới khả năng của bản thân phù hợp và thích nghi với môi trường văn hoá của công ty cũng như tự rèn luyện theo "tiêu chuẩn 5S".

2.3. Kiến thức nền. 

            19% các nhà tuyển dụng nhấn mạnh đến kiến thức nền tảng mà các sinh viên tích luỹ được trong quá trình đào tạo ở trường đại học, từ các cơ quan, tổ chức họ đã từng tham gia, các chứng chỉ, bằng cấp đã nhận… và tất nhiên chúng phải liên quan đến vị trí mà ứng viên xin tuyển. 
2.4. Tham vọng và lòng nhiệt tình. 

            Tham vọng tìm kiếm một công việc luôn là một trong những yếu tố hàng đầu mà nhà tuyển dụng mong muốn ở các ứng viên. Bởi theo họ, chính những tham vọng nghề nghiệp là lý do quan trọng để nhân viên của họ trở thành một người cống hiến hết mình cho công việc. Vì vậy, khi đi phỏng vấn, nếu được hỏi "Tại sao bạn lại muốn làm việc ở công ty chúng tôi?" thì trong câu trả lời, bạn nên chú trọng vào những điểm mạnh của công ty và những thách thức ở vị trí đó chứ không nên tỏ thái độ "được thì được mà không được thì thôi" đối với công việc này. 

2.5. Sự chuẩn bị. 

            8% trong số 1000 nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ đánh giá cao những người đặt ra các câu hỏi cho họ hoặc đem đến những thông tin, đưa ra những ý tưởng để đóng góp cho sự thành công của công ty. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin và chuẩn bị chu đáo trước khi đi phỏng vấn.

3. Lời kết:

            Hiện nay công tác đào tạo tại Trường Cao Đẳng Công nghệ Viettronics có những nét mới và nổi bật như: kết cấu chương trình có sự điều chỉnh và phân bổ phù hợp giữa lý thuyết và thực hành,  sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng đến đào tạo 4 kỹ năng chuyên sâu (kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng tin học, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng mềm) giúp sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay.

            Bên cạnh đó Nhà trường cũng chủ động hợp tác với các doanh nghiệp. Theo đó sinh viên của trường có cơ hội được thực tập, nghiên cứu tại các doanh nghiệp và đặc biệt là có cơ hội tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

            Trên đây là những quan điểm của bản thân tôi và các nguồn tham khảo đưa ra. Tôi mong muốn các Thầy Cô đồng nghiệp, các nhà quản lý tiếp tục đưa thêm các quan điểm chia sẻ thêm những kinh nghiệm, kiến thức, định hướng giúp Sinh viên có những cái nhìn thực tế và có sự chuẩn bị khi tiếp cận với thị trường lao động ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra những điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp không phải quá mất thời gian để " Đào tạo lại Sinh viên ra trường".

            Cuối cùng tôi xin gửi tặng Các Em câu danh ngôn của William Arthur Ward (1921-1994) - một nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ: "Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi".

Chúc Các Em thành công!

ThS. Nguyễn Đình Chung

 

 

 

Đã Xem: 4836

Bài Viết Mới Nhất