Hành trình về nguồn kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)

HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2023)

          Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023). Ban chấp hành Công đoàn trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics đã tổ chức chương trình về nguồn với mục tiêu xây dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với toàn thể Cán bộ, Đảng viên, Giảng viên, Nhân viên Nhà trường.

          Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích Làng Sen Quê Bác:

         Làng Sen quê Bác nằm cách trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 16km và nơi đây được coi là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất tại Nghệ An. Mỗi năm có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm để tìm hiểu về cuộc sống và hành trình lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làng Sen với cảnh quan đẹp và không gian yên bình nơi đây có ngôi nhà giản dị mà Bác đã gắn bó những năm tháng ở tuổi thiếu niên từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906. Ngôi nhà đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Bác; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Người. Sau 50 năm xa cách quê nhà, bôn ba đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, làm cách mạng đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp, Người đã trở về làng Sen 2 lần vào năm 1957 và năm 1961.

          Điểm đến tiếp theo của đoàn là Khu di tích ngã ba Đồng Lộc:

          Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam. Để lại nhiều xúc động nhất là tại khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong, các chị là một phần của nơi này, một phần của lịch sử. 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã cùng với những người con trai, con gái dựng lên tượng đài chiến thắng vĩ đại không chỉ cho vùng đất Hà Tĩnh mà cho cả dân tộc Việt Nam. Trong không khí trang nghiêm, đoàn đã làm lễ dâng hương và dành một phút mặc niệm tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. Trên phần mộ của 10 nữ anh hùng, từng thành viên của đoàn kính cẩn dâng lên những bông sen trắng, giản dị, tinh khôi mà tràn đầy sức sống như chính tâm hồn của các chị đã gửi lại trên mảnh đất này.

        Tiếp tục cuộc hành trình, Đoàn di chuyển trên con đường Hồ Chí Minh và dừng chân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn:

        Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 10 nghìn người con thân yêu của Tổ quốc, những người đã anh dũng hi sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đã dành một phút mặc niệm và thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người con trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Sau lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm chính, Đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tại Bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quê ở Thành Phố Hải Phòng và thắp hương tưởng nhớ, tri ân từng phần mộ liệt sĩ đang an yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

          Điểm đến tiếp theo trong hành trình của Đoàn là Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị:

        Thành cổ Quảng Trị - một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn đã kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm, đoàn đã nghe cán bộ Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị giới thiệu những nét khái quát về di tích và những dấu ấn lịch sử đặc biệt tại Thành cổ. Lời hướng dẫn viên như tái hiện những thước phim bi tráng về những chiến tích, những người anh hùng, những câu chuyện, câu thơ xúc động về sự hi sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ xả thân trên tuyến lửa Quảng Trị, những câu thơ bi tráng của cựu chiến binh Phạm Đình Lân trong một lần trở lại thăm đồng đội trên chiến trường xưa, được tạc trên một tảng đá lớn: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ? Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng…”; Bức thư được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê hương Kiến Xương -Thái Bình), được viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa, được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm. Anh viết ngày 11/9/1972, trước ngày anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (hy sinh ngày 2/1/1973). Ẩn sâu trong 10 trang thư hoen ố màu thời gian ấy, là những câu chuyện cảm động của những lời dự cảm về ngày ra đi, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Và trên hết, là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

          Khép lại hành trình đầy ý nghĩa, Đoàn đến Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của của Người Anh Cả Quân đội nhân dân Việt Nam.

          Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết tới qua các trận chiến, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thế giới đánh giá ông là "một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại”. Trước khi trở thành một vị tướng gắn liền với trận mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo. Sinh thời, một trong những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: "Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ vẫn là một thầy giáo”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng căn dặn "Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng còn kém so với các nước trong khu vực", lời căn dặn này của Đại tướng khi ông đã 96 tuổi và cho đến nay vẫn được ngành giáo dục coi là quan điểm chỉ đạo trong hoạch định chính sách của ngành. Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dồn hết tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp khoa học, văn hóa và giáo dục của nước nhà. Nhiều năm trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gần gũi đội ngũ tri thức, các nhà hoạt động văn hóa, nhà giáo dục. Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài cho sự phát triển của khoa học, giáo dục của đất nước.

          Trong hành trình trải nghiệm, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường còn được tham gia các hoạt động thăm quan các danh lam thắng cảnh tại một số địa phương: Động Thiên Đường (Quảng Bình), Hang Múa (Ninh Bình)...

          Hành trình kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) thăm quan, học tập tại các địa chỉ đỏ: Nghệ An (Quê Bác), Hà Tĩnh (Ngã ba Đồng Lộc); Quảng Bình (Vũng Chùa - Đảo Yến); Quảng Trị (Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Thành cổ Quảng Trị)... là hành trình tiếp theo trong hành trình về nguồn năm 2023 của tập thể Cán bộ, Đảng viên, Giảng viên, Nhân viên nhà trường, đây là hoạt động thực tiễn thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đi trước để đất nước ta có hòa bình, độc lập, tự do và phát triển như ngày hôm nay. Học tập Bác, tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, tập thể Cán bộ, Giảng viên, Nhân viên nhà trường đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Sau đây là một số hình ảnh trong hành trình về nguồn của tập thể Cán bộ, Giảng viên, Nhân viên nhà trường:


 

Đã Xem: 456

Bài Viết Mới Nhất