Hành trình Đà Nẵng - Hội An - Huế
HÀNH TRÌNH ĐÀ NẴNG - HỘI AN - HUẾ
Trong không khí khắp mọi miền của đất nước rộn ràng không khí chào đón kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) đồng thời cũng là những ngày nghỉ cuối tuần, tập thể cán bộ - giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics tham gia hành trình trải nghiệm tại ĐÀ NẴNG - HỘI AN - HUẾ. Chuyến đi nhiều cảm xúc về dải đất miền trung của Tổ Quốc thường xuyên hứng chịu bão gió, lũ lụt nhưng vẫn vươn mình lớn mạnh. Đặc biệt điển hình là Thành Phố Đà Nẵng được coi là "Thành phố đáng sống" nhất cả nước.
Thành phố Đà Nẵng hiện là một trong bốn đô thị loại 1 của Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.
Nói đến Đà Nẵng chúng ta có thể hình dung ngay rằng đó là một thành phố tuyệt đẹp bên sông Hàn, bên bờ biển Đông với những nét quyến rũ chưa từng có ở các đô thị biển khác…
Một số địa điểm đoàn trải nghiệm:
Sun World Ba Na Hills:
Thuộc hệ thống thương hiệu giải trí Sun World, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 20 km, Sun World Ba Na Hills là quần thể du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí đẳng cấp bậc nhất Việt Nam.
Nằm ở độ cao 1.487m so với mực nước biển, Sun World Ba Na Hills được mênh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh”, sở hữu khí hậu tuyệt vời cùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Đến với Sun World Ba Na Hills để trải nghiệm khí hậu 4 mùa trong một ngày cùng nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí, ẩm thực hấp dẫn đa dạng.
4 năm liên tiếp từ 2015-2018, Sun World Ba Na Hills đã vinh dự đạt danh hiệu Khu du lịch hàng đầu Việt Nam, do Tổng cục Du lịch Việt Nam trao tặng. Qua 11 năm hoạt động và không ngừng phát triển, Sun World Ba Na Hills đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.
Chùa Linh Ứng Sơn Trà:
Chùa Linh Ứng Sơn Trà được xem là cõi Phật giữa chốn trần gian. Chùa nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (nhiều người gọi là Chùa Linh Ứng Bãi Bụt hoặc là Chùa Linh Ứng Sơn Trà – vì Đà Nẵng có đến 3 Chùa Linh Ứng) hướng nhìn ra biển Đông, một bên là đảo Cù lao Chàm, phía bên kia là ngọn Hải Vân phía còn lại là dòng sông Hàn yên ả đang đổ về cửa biển. Dọc hai bên sân chùa là hai hàng tượng 18 vị La hán, những biểu tượng tín ngưỡng đặc thù dân gian và pho tượng Quán Thế Âm bồ tát cao 67 mét, đường kính tòa sen 35 mét,hướng nhìn ra biển.Từ cổng chùa phóng tầm mắt về phía biển sẽ thấy bao quanh bởi một màu xanh bát ngát biển trời, bờ cát dài trắng mịn chạy vòng cung theo con đường dưới chân núi lấp lánh dưới cái nắng dịu của vùng bán đảo.
Sông Hàn:
Cái tên sông Hàn tuy không phải quá đẹp nhưng nó lại gắn liền với những câu chuyện lịch sử hào hùng. Con sông ấy gắn liền với thuở xưa ông cha ta cùng nhau chống giặc. Cái tên ấy bắt nguồn từ việc ngày xưa người Đà Nẵng khóa cửa sông bằng xích sắt nhằm ngăn cản tàu giặc vào thành phố. Nhìn từ trên cao sông Hàn như dải lụa mềm mại vắt ngang giữa lòng thành phố. Đây là địa danh gắn liền với bao thế hệ người dân Đà Nẵng, cũng là minh chứng của những đổi thay lớn lên của thành phố biển này.
Phố cổ Hội An:
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.
Hội An là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo. Phố cổ Hội An được công nhận là một di sản thế giới UNESCO từ năm 1999.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Đến đây ta có dịp chiêm ngưỡng các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Cố đô Huế:
Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc... Đại nội Huế hội tụ các nét đẹp kiến trúc đỉnh cao của thời đại phong kiến nhà Nguyễn, được xây dựng cách đây hàng trăm năm với diện tích vô cùng đồ sộ, có hơn 100 công trình kiến trúc lộng lẫy như: Ngọ Môn, Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa được bố trí hài hòa, hợp lý.
Nếu được hỏi Huế có nơi nào đã in đậm trong văn thơ, thì câu trả lời chính là sông Hương - nơi khơi nguồn cho biết bao áng văn chương, khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, làm đắm say lòng người. Con sông với chiều dài lên tới 80m, được xem như món quà tặng vô giá thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Hành trình trải nghiệm tại ĐÀ NẴNG - HỘI AN - HUẾ của tập thể cán bộ - giảng viên nhà trường là một trong các hoạt động xây dựng khối đoàn kết gắn bó trong đội ngũ cán bộ - giảng viên, là cơ hội các thầy cô được thư giãn nghỉ ngơi sau những ngày làm việc, đồng thời là chuyến đi học tập, tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hóa cũng như thành tựu đổi mới xây dựng phát triển kinh tế của một số địa phương mà điển hình là Thành Phố Đà Nẵng - Thành Phố đáng sống, Thành Phố kết nghĩa với Thành Phố Hải Phòng. Kết thúc chuyến đi, trở lại với công việc mỗi thành viên đều ý thức được phải cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong công việc đào tạo nguồn nhân lực cho Thành Phố và Đất Nước.
Một số hình ảnh trong hành trình của đoàn:
Đã Xem: 1758
Bài Viết Mới Nhất
- Sổi nổi các phong trào thi đua Chào mừng 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) của Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics
- Hành trình về nguồn kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)
- Hành trình "về nguồn" năm 2023
- Chúc mừng các tân cử nhân, kỹ sư thực hành Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics tốt nghiệp ra trường năm 2022
- Giải bóng đá nam hoc sinh - sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022)
- Hành trình Đà Nẵng - Hội An - Huế