Một số phương pháp giúp học tốt Kế toán

Kế toán là một nghề phù hợp với mọi đối tượng, không phân biệt nam hay nữ, là một nghề không bị bão hòa trong mọi thời điểm. Tất cả các doanh nghiệp quy mô dù lớn hay nhỏ cũng đều cần ít nhất một kế toán. Vì vậy, kế toán là một nghề rất quan trọng và cần thiết. Hiện nay, lượng sinh viên chuyên ngành kế toán ở các trường Đại học, cao đẳng hay Trung học chuyên nghiệp tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Muốn trở thành một kế toán giỏi, có thu nhập khá, bạn phải biết cách học kế toán  một cách khoa học, đạt hiệu quả. Vậy cách học kế toán tốt nhất là gì?

Sau đây là một số phương pháp học kế toán có hiệu quả để các bạn tham khảo:

Thứ nhất: Sắp xếp, bố trí, phân bổ khoa học:

Việc sắp xếp, bố trí, phân bổ khoa học trong học tập là một yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của bạn. Như chúng ta thấy, lượng kiến thức tiếp thu trên ghế nhà trường là một khối lượng khổng lồ, nếu như bạn không biết cách sắp xếp và phân bố tốt lượng thời gian, không biết học một cách khoa học thì những kiến thức đó cũng chỉ là vô nghĩa. Cho nên, bạn cần sắp xếp xem khi nào mình sẽ học và học cái gì? Bạn hãy bắt đầu bằng những việc dễ hoặc đơn giản để khiến bạn có được sự tự tin, động lực cần thiết. Sau đó sẽ hướng đến cho mình những việc khó khăn hơn, phức tạp hơn. Đơn giản hoá những chỉ dẫn phức tạp và nâng dần lên từ đó. Luyện tập và lặp lại những bài cơ bản (nếu có thể) để củng cố kiến thức.

Thứ 2: Nắm chắc kiến thức chuyên môn:

Học lý thuyết là học cái chung, học cái căn bản, khi đã hiểu được cái chung, nắm chắc cái căn bản thì khi gặp vấn đề gì kế toán cũng đều xử lý tốt.

Môn vỡ lòng của chương trình kế toán mà bất kỳ ai cũng phải trải qua đó là: Nguyên lý kế toán. Bạn phải thật tập trung, thật chịu khó. Bởi lúc này bạn giống như một tờ giấy trắng, bạn chưa hề có một chút kiến thức nào về kế toán. Vì vậy, trong môn học này chúng ta sẽ hiểu và nắm vững được những nguyên lý chung của kế toán, thấy được mỗi số hiệu tài khoản Kế toán là một tên gọi khác nhau, kết cấu của từng loại tài khoản. Chỉ riêng 2 từ: “NỢ” + “CÓ” thôi, cũng đủ làm bạn ngơ ngẩn 1 lúc lâu…và khi bạn hiểu được những nguyên lý cơ bản đó thì bạn yên tâm,  bạn sẽ vượt qua chướng ngại vật đầu tiên và bạn sẽ vững tin vào chính mình và tiếp tục với môn học kế tiếp đó là: Kế toán tài chính doanh nghiệp. Tại đây, bạn sẽ có dịp làm quen với các nghiệp vụ kế toán phát sinh, cách thức hạch toán, kết hợp với vẽ sơ đồ chữ T và bước cao nhất là từ các nghiệp vụ đó bạn sẽ, biết cách phản ánh vào các loại sổ kế toán từ đó lập được bộ Báo cáo tài chính theo quy định. Đây là giai đoạn cuối cùng,là bước tổng hợp tất cả các kiến thức kế toán của bạn.Các môn còn lại: kế toán quản trị chi phí, thực hành kế toán trong doanh nghiệp sản xuất, thực hành kế toán trong doanh nghiệp thương mại và kế toán máy thực ra đã được lồng ghép vào hai môn học trên. Chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán tách ra nhằm phục vụ cho công việc quản trị và phân loại cho các bạn sâu hơn, cụ thể hơn đối với từng phần hành kế toán trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Nên trong quá trình bạn học, mỗi tiết học, mỗi bộ môn, mỗi giáo viên đều rất quan trọng. Trên thực tế khi bạn đang học môn học nào đó thì: tiết học, môn học, người giáo viên hướng dẫn môn học ấy chính là các yếu tố quan trọng đối với bạn. Vì sao bạn biết không? Hầu như các môn học được thiết kế có xu hướng liên kết với nhau, môn học này bổ trợ hay là tiền đề, là cơ sở cho môn học kế tiếp. Vậy, bạn cần phải học tốt môn học trước đó thì bạn mới có cơ sở để theo kịp các môn học tiếp theo và nắm chắc lý thuyết là cơ sở không thể thiếu để thực hành thực tế chuyên ngành.

Thứ 3: Ý thức và tinh thần học tập

Như chúng ta biết giáo viên giảng dạy các môn học kế toán trong lớp học không chỉ là người truyền đạt cho các bạn lý thuyết chuyên môn mà họ còn là người kế toán trưởng nhiều năm kinh nghiệm nên trong quá trình học tập các bạn cần cố gắng khai thác hết những gì có thể, đó là hỏi thêm thật nhiều tình huống khó trong thực tế mà các đã từng gặp hoặc có thể “giả tưởng” là sẽ gặp phải. Trao đổi với bạn cùng lớp để có cái nhìn khái quát hơn về nghề kế toán. Trong những buổi học lý thuyết thì bạn cố gắng nghe nhiều hơn ghi chép, mình chỉ ghi lại những ý chính. Khi học thực hành nếu có thể bạn hãy tự làm ở nhà trước những phần đơn giản, ngoài thời gian học trên lớp bạn cần dành thêm một chút thời gian ở nhà để xem lại các phần đã học. Bên cạnh đó bạn cũng có thể học hỏi những người đi làm kế toán có kinh nghiệm xung quanh bạn. Nguồn kiến thức luôn vô tận, nếu bạn chịu khó học hỏi, lượng kiến thức của bạn sẽ ngày một phong phú hơn.

Thứ 4: Rèn kỹ năng viết và sơ đồ hóa

Kỹ năng viết là một trong những kỹ năng vô cùng quan trong đối với người học kế toán do đó bạn cũng cần tập cho mình kỹ năng viết, bạn sẽ thành thạo được các nghiệp vụ khi bạn tập viết ra trên giấy.

Muốn sắp xếp các thông tin để tiếp thu một cách tốt hơn những điều bạn muốn học, bạn có thể tận dụng kỹ năng sơ đồ hóa lượng kiến thức thu thập được khi giáo viên chuyển tải lượng kiến thức chuyên môn có như vậy khả năng tư duy của bạn mới logic và khoa học. Đặc biệt đối với sơ đồ kết cấu các tài khoản chúng ta nhất thiết phải học theo sơ đồ chữ T.

Thứ 5: Tự đặt và giải quyết các câu hỏi và cho ví dụ và đưa ra các tình huống liên quan đến các nghiệp vụ kế toán.

Bạn cần chịu khó tìm tòi, linh hoạt, học bằng cách tự đặt vấn đề và tự thử giải quyết vấn đề, tìm những ví dụ cụ thể trong thực tế sau đó có thể tham khảo thầy cô giáo trực tiếp, bạn bè  hoặc thông qua các bảng tóm tắt bài giảng, hoặc nguồn thông tin có kiến thức tương tự.

Thứ 6: Thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính và tiếng Anh và năng cao kỹ năng giao tiếp

Hai chìa khoá vàng của mọi ngành nghề có thể quyết định đến sự thành công đó là thành thạo máy tính và tiếng anh. Do đó để đạt được những vị trí cao trong nghề kế toán bạn càng cần phải thoả mãn hai điều kiện này.

Việc kế toán sử dụng máy tính với các phần mềm trợ giúp để công việc kế toán bớt vất vả hơn và quan trọng là nâng cao hiệu quả là không thể thiếu trong xã hội hiện đại đòi hỏi bạn phải thành thạo các phần mềm vi tính văn phòng đặc biệt là Excel dùng để tính toán, Power Point để thuyết trình và các phần  mềm chuyên dụng của kế toán như Fast, Misa, Accouting…Song song với việc sử dụng thành thạo kỹ năng tin học thì khả năng Tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp của bạn cũng phải đủ để có thể giao tiếp với các đối tác và đọc các tài liệu, viết các báo cáo tài chính kế toán vì nghề kế toán liên quan chặt chẽ tới những điều luật về kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Khi đó, bạn sẽ phải tìm hiểu thật tỉ mỉ về pháp luật, hệ thống chuẩn mực của nước đối tác cũng như tự nâng cao vốn ngoại ngữ của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vậy, học kế toán không phải chỉ học làm quen với những con số và niềm đam mê thật sự với nó bên cạnh đó chúng ta cần có một số phương pháp và các kỹ năng cần thiết như trên nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc học tập để sau này có thể trở thành một kế toán giỏi.

Đã Xem: 46510

Bài Viết Mới Nhất