Hành trình Viettronics - Đền Gióng - Tam Đảo
Hành trình Viettronics - Đền Gióng - Tam Đảo
nhân dịp kỷ niệm ngày 20/11/2020
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2020). Được sự nhất trí của Cấp ủy chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường. Ngày 20/11/2020 Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics phối hợp với Phòng Tổng hợp tổ chức hoạt động tham quan trải nghiệm Di tích Đền Gióng và Thị trấnTam Đảo.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Di tích Đền Gióng (nằm trên núi Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Di tích gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân vào thời Vua Hùng và được mở rộng, tôn tạo từ thời Vua Lê Đại Hành khi ông hoàn thành cuộc kháng chiến chống quân Tống.
Trong tâm thức dân gian Thánh Gióng là một trong bốn hình tượng tứ bất tử của Việt Nam. Được suy tôn như biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc, đất nước từ thuở xa xưa cho tới ngày nay. Với những giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và lưu truyền khá nguyên vẹn qua nhiều thế hệ, thông qua hình thức những đám rước, các hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, diễn xướng dân gian, múa hát ải lao, múa hổ.
Truyền thuyết Thánh Gióng là một trong những câu chuyện mà bao thế hệ người Việt đều đã nghe qua ít nhất một lần trong đời. Đây là tác phẩm văn học dân gian đầu tiên về đề công cuộc giữ nước chống ngoại xâm. Truyền thuyết Thánh Gióng là sự đan xen chặt chẽ giữa các yếu tố thần thoại, truyền thuyết dân gian, lịch sử dân tộc, được nhân dân xây dựng thành một câu chuyện huyền thoại nhằm gửi gắm những khao khát, lý tưởng, giá trị yêu nước như một bài học lưu truyền cho đời sau.
Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ mộc dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…Trải nghiệm nơi đây giữa núi rừng, và các công trình kiến trúc thờ tự linh thiêng mang đến cho mỗi người những xúc cảm, thành kính và tự hào.
Đoàn đến thăm quan tượng đài Phù Đổng Thiên Vương sừng sững trên Núi Trồng. Bức tượng mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng tới trời cao. Hình ảnh tượng đài mang đến cho mỗi người niềm tự hào về đất nước Việt Nam khi có giặc ngoại xâm, tiếng nói đầu tiên của tuổi thơ là tiếng nói yêu nước, là khát vọng đánh giặc cứu nước, cứu dân, khát vọng hòa bình. Người mẹ nông dân lam lũ vô danh đã sinh ra người anh hùng, nhân dân vô danh đã góp từng hạt gạo cùng tình yêu thương, tinh thần đoàn kết để nuôi lớn người anh hùng. Và cậu bé ngày nào đã trở thành biểu tượng của đất nước này: Vươn dậy, cường tráng, quả cảm, dũng mãnh trong chiến đấu và khiêm tốn, nhẹ bước về với thiên nhiên, tan hòa vào đất trời khi đã tan bóng giặc, không màng đến lợi danh.
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là Thị trấn Tam Đảo. Thị trấn Tam Đảo cách Hà Nội khoảng 80km. Thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, còn được xem là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Thị trấn Tam Đảo luôn chìm trong mây và sương mù. Có những lúc giữa trưa nắng mà Tam Đảo vẫn ngập trong mây và sương trắng. Mây giăng kín những tán cây, trùm lên những mái nhà, sà xuống tận mặt đường. Đang bồng bềnh hư ảo là vậy, nhưng cũng chỉ cần một luồng gió mạnh thổi qua, đám mây và sương mù lại dạt về phía thung lũng, để lộ dần ra một thị trấn nhỏ nằm bám vào vách núi, trông thật cheo leo mà cũng thật yên bình. Tam Đảo là một nơi hội đủ bốn mùa trong một ngày: gió xuân khe khẽ thổi vào buổi sáng sớm, nắng ấm của mùa hạ khi trời dần trưa, gió heo may khe khẽ như mùa thu vào mỗi buổi chiều và khi màn đêm buông xuống mang theo chút giá lạnh của ngày đông.
Ở Tam Đảo có nhiều biệt thự cổ do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ 19, mang nét đẹp cổ kính, trầm mặc. Đến Tam Đảo, Đoàn tham quan một số địa điểm như: Cổng trời, Thác Bạc, Nhà thờ đá, Quảng trường trung tâm Thị trấn...
Hành trình tham quan trải nghiệm Di tích Đền Gióng - Tam Đảo nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam thành công tốt đẹp thể hiện sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đời sống người lao động của Cấp ủy Đảng, Ban giám hiệu và Công đoàn trường. Đây cũng là một trong các hoạt động gắn kết khối đoàn kết trong nhà trường. Thành công của chuyến đi là kết tinh của sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ - giảng viên - nhân viên nhà trường. Với tâm thế phấn khởi đón chào ngày kỷ niệm 20/11/2020 cùng với tư duy đổi mới, sáng tạo và quyết tâm là tiền đề tạo nhiều bước tiến mới trong sự nghiệp đào tạo của Nhà trường.
Một số hình ảnh hoạt động của Nhà trường:
Đã Xem: 1802
Bài Viết Mới Nhất
- Sổi nổi các phong trào thi đua Chào mừng 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) của Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics
- Hành trình về nguồn kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)
- Hành trình "về nguồn" năm 2023
- Chúc mừng các tân cử nhân, kỹ sư thực hành Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics tốt nghiệp ra trường năm 2022
- Giải bóng đá nam hoc sinh - sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022)
- Hành trình Đà Nẵng - Hội An - Huế