Du xuân Mậu Tuất 2018

Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Trong ngày nghỉ cuối của đợt nghỉ tết nguyên đán theo lịch công tác của Nhà trường, Công đoàn Nhà trường đã tổ chức chuyến du xuân cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường. Đây là hoạt động truyền thống hàng năm nhằm xây dựng tình đoàn kết trong các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Nhà trường. Chuyến du Xuân nằm trong chuỗi các hoạt động của Công đoàn Nhà trường năm 2018.

5h00 đoàn xe bắt đầu khởi hành tại địa điểm 118 Cát Bi - Hải Phòng, dù vẫn còn rất sớm nhưng với tinh thần phấn khởi và những hoạt động giao lưu gặp mặt đầu xuân trên xe được BCH Công đoàn và Đoàn Thanh Niên tổ chức mọi người đã cùng đón nhận những tiếng cười và đặc biệt hơn đã có phần quà mừng tuổi mang ý nghĩa bình an, hạnh phúc, tài lộc được trao cho các Công đoàn viên của Lãnh đạo Nhà trường.

Điểm đến của đoàn là Chùa Yên Tử  tọa lạc trong khu di tích danh thắng Yên tử. Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ XIII. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Yên Tử từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ X, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông – một Ông Vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ XIII) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng .

Vị Tổ thứ hai và thứ ba kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Ngày nay qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại. Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa tọa lạc trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc. Ngày nay danh thắng Yên Tử là một điểm du lịch lễ hội nổi tiếng ở Quảng Ninh cũng như Miền Bắc, hàng năm cứ vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch. Chùa Đồng – Điểm dừng chân cuối cùng cũng là điểm cao nhất ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển.

Yên Tử được coi là Cõi Tiên, Cõi Phật – nơi con người tu thành Tiên, thành Phật. Tục truyền: Hơn hai ngàn năm trước, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” là “Yên Tử”.

Non Thiêng Yên Tử chính là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp con người hướng thiện, trở về bản tâm chân thật của chính mình. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành bất tử, từ Tổ Hiện Quang thời Lý (trước năm 1220) đến các Tổ: Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Tam Tổ Trúc Lâm… thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), từ Tổ Chân Nguyên thời Lê (thế kỷ XVII) đến Ni sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

Yên Tử là “phúc địa” (đất phúc), “linh địa” (đất thiêng), nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được ghi vào điển thờ. Yên Tử lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc.

Chuyến du xuân diễn ra trong một ngày đã đem lại ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong lòng mỗi người, sự ấm áp, thanh tịnh với mong muốn thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công của mỗi gia đình Công đoàn viên.

Chuyến đi trải nghiệm thực sự là dịp để các cán bộ, viên chức Nhà trường tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, tạo động lực làm việc và cống hiến tâm huyết, trí tuệ của mình với những sáng tạo và bứt phá của tập thể cán bộ - giảng viên - nhân viên Nhà trường trong năm mới.

Một số hình ảnh trong chuyến du Xuân 2018

Đã Xem: 2047

Bài Viết Mới Nhất